|
|
1. Trong phần quyết định của bản
án hình sự chỉ viện dẫn các quy định của Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng
hình sự hay viện dẫn cả các văn bản dưới luật, Nghị quyết hướng dẫn của Tòa
án nhân dân tối cao?
Trả
lời: Trong phần quyết định của bản án hình sự chỉ viện dẫn các
quy định liên quan trong Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự; không viện
dẫn quy định trong các văn bản dưới luật như Nghị quyết hướng dẫn thi hành
BLHS, BLTTHS của Tòa án nhân dân tối cao. Tuy nhiên, đối với vấn đề án phí,
văn bản pháp luật quy định cụ thể có hiệu lực cao nhất là Pháp lệnh án phí,
lệ phí Tòa án (ngày 27/2/2009) nên sẽ viện dẫn Pháp lệnh này.
2. Thái độ khi điều hành phiên tòa
của Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa đối với những người tham gia tố tụng là như
nhau hay có sự khác biệt giữa bị cáo với người bị hại và những người tham gia
tố tụng khác?
Trả
lời: Điều 5 BLTTHS quy định nguyên tắc “mọi công dân đều bình
đẳng trước pháp luật”. Mặt khác, bị cáo chỉ bị coi là có tội khi có bản án
kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Vì vậy, việc điều hành phiên tòa
của Thẩm phán phải đảm bảo sự bình đẳng, khách quan, không phân biệt giữa bị
cáo với những người tham gia tố tụng khác. Trong một số trường hợp đặc biệt
như bị cáo, người bị hại là người chưa thành niên, thái độ, giọng nói của Chủ
tọa phiên tòa có thể nhẹ nhàng hơn để phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi
của những người tham gia tố tụng này.
3. Nên phân định bản án hình sự sơ
thẩm thành bản án chính, bản án gốc, bản sao bản án như hướng dẫn tại Nghị
quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày
5/11/2004 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hay chỉ có bản án và
bản sao bản án theo quy định của BLTTHS?
Trả
lời: Theo điểm 2.2 mục 2 phần IV Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP
cùng với biên bản nghị án, bản án gốc phải được các thành viên Hội đồng xét
xử thông qua và ký (chữ ký “sống”) tại phòng nghị án, được lưu vào hồ sơ vụ
án; trên cơ sở bản án gốc, Thẩm phán chủ toạ phiên
toà thay mặt Hội đồng xét xử ký các bản án chính và Toà án thực hiện việc
giao bản án theo quy định tại Điều 229 của BLTTHS. Hướng dẫn này không trái
với quy định của BLTTHS đồng thời tạo thuận lợi cho công tác quản lý, giao
nhận bản án (tránh những trường hợp đã xảy ra trên thực tiễn như có hai bản
án cùng số, cùng ngày, cùng HĐXX nhưng nội dung khác nhau, không xác định
được đâu là bản án gốc, thể hiện quan điểm của HĐXX tại phiên tòa). Vì vậy,
khi giảng dạy và học tập cần thống nhất theo hướng dẫn về bản án gốc, bản án
chính tại Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP.
4. Biên bản nghị án
dùng cho Hội đồng xét xử sơ thẩm theo mẫu số 05d (ban hành kèm theo Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 5/11/2004
của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao) hướng dẫn cần ghi kết quả
biểu quyết của Hội đồng xét xử về từng vấn đề như tội danh, điều, khoản, điểm
BLHS cần áp dụng, mức hình phạt, các vấn đề khác. Có quan điểm cho rằng cách
ghi này khá rườm rà và có thể ghi chung một số vấn đề như tội danh, điều
khoản BLHS cần áp dụng và kết quả biểu quyết chung của HĐXX đối với các vấn
đề này.
Trả lời: Hướng dẫn tại Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP
là hướng dẫn chung cho tất cả các vụ án nên cần rất cụ thể về từng vấn đề của
vụ án. Về nguyên tắc, việc ghi biên bản nghị án cần theo mẫu nêu trong Nghị
quyết này. Tuy nhiên, trên thực tiễn, nếu tỉ lệ biểu quyết nhất trí của HĐXX
về một số vấn đề như tội danh, điều khoản BLHS cần áp dụng giống nhau thì có
thể ghi gộp và không bị coi là vi phạm.
Ví dụ: Về tội danh và điều khoản BLHS cần áp dụng: Tội Cố ý gây thương
tích theo điểm i, khoản 1 Điều 104 BLHS. Kết quả biểu quyết: 3/3.
Trường hợp tỉ lệ biểu quyết nhất trí của HĐXX về các vấn đề là
khác nhau thì cần ghi tách biệt, thể hiện rõ tỉ lệ biểu quyết đối với từng
vấn đề.
Ví dụ: Về tội danh: Tội Cướp tài sản. Kết quả biểu quyết: 3/3
Về điều khoản cần áp dụng: điểm a,d khoản 2 Điều 133 BLHS. Tỉ lệ
biểu quyết: 2/3;
điểm a, khoản 2 Điều 133 BLHS. Tỉ lệ biểu quyết: 1/3
5. Sau khi HĐXX nghị án ra chuẩn
bị tuyên án thì phát hiện KSV và bị cáo tại ngoại không còn có mặt tại phiên
tòa. Trường hợp này, HĐXX cần xử lý như thế nào?
Trả
lời: Trước tiên, HĐXX cần hội ý, xác định lý do vắng mặt của
Kiểm sát viên và bị cáo. Về cơ bản, nếu không có vấn đề gì vướng mắc về nội
dung cần quay lại xét hỏi, thì HĐXX có thể tiếp tục tuyên án. Sự vắng mặt của
bị cáo ở thời điểm này không cản trở việc xét xử và cũng không ảnh hưởng đến
quyền kháng cáo của bị cáo (thời hạn kháng cáo của bị cáo được tính từ ngày
bản án được giao cho họ hoặc được niêm yết). Đối với KSV, KSV có nghĩa vụ có
mặt trong toàn bộ phiên tòa, việc KSV tự ý vắng mặt là không thực hiện đầy đủ
trách nhiệm của mình; hơn nữa, sự vắng mặt của KSV ở thời điểm này không cản
trở việc xét xử và Viện kiểm sát vẫn thực hiện được quyền giám sát việc tuân
theo pháp luật trong bản án sơ thẩm thông qua việc được giao bản án và thực
hiện quyền kháng nghị đối với bản án sơ thẩm.
Trường
hợp sau khi nghị án chưa thể tuyên án ngay mà cần quay trở lại phần xét hỏi
để làm rõ một số vấn đề trong vụ án, nếu phát hiện thấy vắng mặt bị cáo, KSV
thì cần hoãn phiên tòa để đảm bảo sự có mặt của những người này tại phiên tòa
phục vụ cho việc làm sáng tỏ sự thật vụ án.
6. Theo bản cáo trạng, bị cáo A đã
thực hiện 02 hành vi cướp tài sản ngày 3/3/2011 và 4/5/2011; bị cáo bị Viện
kiểm sát truy tố về tội Cướp tài sản theo khoản 1 Điều 133 và áp dụng tình
tiết tăng nặng phạm tội nhiều lần theo điểm g, khoản 1 Điều 48 BLHS. Khi
nghiên cứu hồ sơ, Thẩm phán thấy bị cáo chỉ thực hiện hành vi Cướp tài sản
vào ngày 3/3/2011 còn hành vi ngày 4/5/2011 là Cướp giật tài sản. Trường hợp
này, Thẩm phán cần xử lý như thế nào, có thể xét xử và tuyên án đối với bị cáo
về hai tội Cướp tài sản và Cướp giật tài sản hay không?
Trả
lời: Với kết quả nghiên cứu hồ sơ như trên, Thẩm phán cần ra
quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung (căn cứ điểm b, khoản 1 Điều 179 BLHS).
Nếu Viện kiểm sát không thay đổi quan điểm truy tố, Thẩm phán mở phiên tòa
xét xử đối với bị cáo và chỉ tuyên bị cáo phạm tội Cướp tài sản với hành vi
ngày 3/3/2011, không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự phạm tội
nhiều lần. Trong phần xét thấy của bản án sơ thẩm, khi nhận định về hành vi
phạm tội của bị cáo, Thẩm phán nhận định hành vi ngày 3/3/2011 của bị cáo cấu
thành tội Cướp tài sản; hành vi ngày 4/5/2011 có dấu hiệu của tội Cướp giật
tài sản song Viện kiểm sát không truy tố đối với bị cáo về tội này nên theo
Điều 196 BLTTHS Tòa án không xét xử đối với hành vi đó. Sau phiên tòa, Thẩm
phán báo cáo Chánh án kiến nghị giám đốc thẩm để xem xét đối với hành vi Cướp
giật tài sản của bị cáo.
Trên
đây là quan điểm của Bộ môn Hình sự, Khoa Đào tạo Thẩm phán đối với một số
vấn đề vướng mắc về chuyên môn trong quá trình giảng dạy lớp đào tạo Nghiệp
vụ xét xử khóa XIII thời gian vừa qua. Các vấn đề vướng mắc khác, đề nghị
Giảng viên, Học viên trao đổi trực tiếp với Bộ môn hoặc gửi qua email: xetxuhinhsu2011@gmail.com.
Trân trọng cảm ơn!
KT.
TRƯỞNG BỘ MÔN HÌNH SỰ
PHÓ TRƯỞNG BỘ MÔN
ThS. Nguyễn Thanh Mai
|
Giải đáp một số vấn đề vướng mắc về chuyên môn trong quá trình giảng dạy môn Kỹ năng xét xử vụ án hình sự
Nhãn:
Hình sự
Đăng nhận xét